Bảo tồn gen chim cánh cụt Nam Phi
Trước tình hình này, các nhà khoa học Mỹ đã có ý tưởng bảo tồn gen loài chim này để tránh nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đây là ý tưởng khá mới lạ và nó mang tính thực tiễn cao, trong bối cảnh
hiện tượng biến đổi khí hậu giờ đây đã trở thành nguy cơ thường trực
đối với con người và các sinh vật trên hành tinh.
Gấu trắng tại Bắc Cực và chim cánh cụt
tại các vùng Nam Cực không còn nơi sinh sống, số lượng của chúng đang
giảm dần do băng tan, ô nhiễm tràn dầu và nạn săn bắt. Trong năm 2010,
loài chim cánh cụt này đã được ghi vào danh sách 10 loài vật có nguy cơ
tuyệt chủng lớn nhất. Chỉ hơn 1 thập kỉ qua, số lượng chim cách cụt Nam
Phi đã giảm từ hơn 1 triệu xuống chưa đầy 80.000 con và xu hướng này vẫn
tiếp tục. Các chuyên gia dự báo chỉ trong vài thập kỉ nữa, sẽ không còn
con chim cánh cụt Nam Phi nào trên trái đất.
Nhà sinh vật học Brooke Weinstein - Viện Khoa học California, San Francisco cho biết: "Năm
2010, tình trạng bảo tồn của chim cánh cụt Nam Phi đã được nâng lên mức
bị đe dọa. Điều này có nghĩa trừ phi có sự thay đổi tích cực, nếu không
thì trong tương lai không xa chắc chắn loài chim này sẽ không còn tồn
tại trong môi trường hoang dã nữa. Chúng tôi hiện tham gia một kế hoạch
mang tên "Cứu sống các loài”. Chúng tôi hợp tác với rất nhiều vườn thú
tại Bắc Mỹ để đảm bảo rằng đang bảo tồn gien bằng cách duy trì một số
lượng đông đảo loài chim này trong môi trường nuôi nhốt”.
Với tên gọi chim cánh cụt "lừa” do có tiếng kêu như con lừa, hay chim cánh cụt "đần độn”
do sự chậm chạp lạ lùng của chúng, chim cánh cụt Nam Phi đang nằm trong
một dự án bảo tồn gen với hy vọng một ngày nào đó, nạn đánh bắt thương
mại, tình trạng trái đất nóng lên sẽ bị đảo ngược và loài chim này sẽ có
cơ hội sống sót trong môi trường hoang dã.
Nhà sinh vật học Brooke Weinstein cho biết thêm: "Bởi
vì những loài chim này được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt, chúng
tôi đã biết chính xác mối quan hệ giữa chúng với nhau. Nên chúng tôi sẽ
cùng nhau đưa ra khuyến nghị, con chim nào nên được phối giống với nhau
mỗi năm, để số lượng gen được bảo tồn và không bị chồng chéo, cũng như
không làm mất đi nguồn gen quí giá của chúng. Về cơ bản, lượng gen trong
khu vực nuôi nhốt càng đa dạng thì triển vọng bảo tồn của loài chim này
càng khả quan”.
Theo các nhà khoa học, vấn đề hiện nay
là các loài sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng do môi trường tự nhiên đã bị
đe dọa, nên chỉ còn cách là nuôi nhốt và bảo tồn gen để giúp chúng duy
trì nòi giống.
Các nhà khoa học đang chạy đua với thời
gian trong cuộc chiến bảo vệ loài chim cánh cụt và các sinh vật khác.
Nhưng bảo tồn gen chỉ là 1/2 trận chiến. Quan trọng hơn là nhanh chóng
giải quyết vấn đề trái đất nóng lên và nạn săn bắt quá mức.
Theo VTC