Thứ bảy, 2025-06-28, 10:25 AM
Hi ! Khách | RSS

GÓC SINH HỌC CỦA EM

Tổ Sinh học-THCS Đặng Tấn Tài
[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Tại sao nên tạo trang web giáo dục ?
AdminNgày tháng: Thứ bảy, 2010-08-28, 6:23 PM | Bài viết # 1
Lieutenant
Nhóm: Administrators
Bài viết: 56
Khen thưởng: 0
Trạng thái: Không có mặt
Để giải thích câu hỏi trên, xin giới thiệu tài liệu " Những chỉ dẫn ban đầu cho việc thiết êế website giáo dục" của tác giả Hà An . Nguồn từ CENTEA ( giaovien.net) .

NHỮNG CHỈ DẪN BAN ĐẦU CHO VIỆC THIẾT KẾ WEBSITE GIÁO DỤC

Theo dự đoán của các chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam, trong vòng một vài năm tới (những năm 2010), bất kỳ tổ chức, đoàn thể nào không có website hoặc các hình thức đưa thông tin đến rộng rãi công chúng bằng các phương tiện ICT, thì tổ chức, đoàn thể đó sẽ trở nên lạc hậu.

Để giúp đỡ các trường học và cộng đồng giáo viên có những bước khởi động cần thiết nhằm tránh nguy cơ tụt hậu, CENTEA xin đưa ra một số gợi ý, hướng dẫn ban đầu về việc thiết kế các website giáo dục dành cho cá nhân, giáo viên, lớp học và nhà trường.

A. Một số thuật ngữ cơ bản:

1. Tên miền (domain name): là định danh của website trên mạng Internet. Tên miền thường gắn kèm với tên riêng, tên công ty, thương hiệu của cá nhân, nhà trường, doanh nghiệp, tổ chức,...

Chúng ta có thể hiểu nôm na tên miền như là địa chỉ, số nhà của một ngôi nhà. Địa chỉ này giúp người dùng nhanh chóng tìm đến được ngôi nhà đó.

Một số ví dụ về tên miền:
- www.google.com (trang web tìm kiếm nổi tiếng)
- www.openoffice.org (trang web của bộ phần mềm văn phòng OpenOffice)
- www.giaovien.net (trang web của CENTEA)
- www.hcmup.edu.vn (trang web của Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM)

Tên miền là duy nhất, có nghĩa là không có 2 tên miền giống nhau trên mạng Internet. Tên miền có hai dạng:

- Tên miền quốc tế dạng: www.tenwebsite.com (.com, .net, .info, .biz, .org,...)

- Tên miền quốc gia dạng: www.tênwebsite.com.vn (hoặc .net.vn, .biz.vn .org.vn, .gov.vn, .vn...)

Tên miền được cấp phát cho chủ thể nào đăng ký trước, tức là, ai đăng ký trước một tên miền nào đó, thì người đó sẽ là chủ sở hữu.

Mọi cá nhân, tổ chức, nhà trường, …đều có thể dễ dàng đăng ký một tên miền quốc tế với giá 9.99USD/năm.

Đối với các tên miền quốc gia, việc đăng ký có một số hạn chế bắt buộc và chi phí đăng ký, duy trì cũng cao hơn (chi phí đăng ký và duy trì năm đầu tiên có thể lên tới 1 triệu đồng).

Để đăng ký tên miền, các cá nhân, tổ chức, nhà trường có thể đăng ký với các Nhà đăng ký tên miền hoặc tại các công ty dịch vụ Internet (xem thêm thông tin cuối bài viết này)

Theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt nam, tên miền quốc gia là tài nguyên thông tin quốc gia, do đó Nhà nước nghiêm cấm việc chuyển nhượng, cho thuê, bán lại dưới bất kỳ hình thức nào. Tại Việt nam, cơ quản quản lý nguồn tài nguyên thông tin là Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC (www.vnnic.vn).

Bên cạnh đó, các cá nhân tại Việt Nam, khi lập website với tên miền quốc tế phải tiến hành thông báo với Bộ Văn hóa và Truyền thông tại website www.thongbaotenmien.com.

2. Nơi lưu trữ web (web hosting): có thể hiểu đơn giản như sau : web hosting là nơi không gian trên máy chủ có cài dịch vụ Internet như ftp,www, nơi đó chúng ta có thể chứa nội dung trang web hay dữ liệu trên không gian đó.

Nơi lưu trữ này có thể hiểu như một « ngôi nhà » của các dữ liệu trên Internet, và các nội dung của dữ liệu (file, hình ảnh, đoạn phim, bài giảng, bài trắc nghiệm, ...) do chúng ta tạo ra giống các « đồ đạc nội thất » trong nhà. Chúng ta cần có một « ngôi nhà », và đưa « đồ đạc nội thất » vào trong ngôi nhà ấy (và dĩ nhiên, chúng ta cũng cần có một « địa chỉ ngôi nhà » để có thể mời bạn bè ghé thăm).

Thông thường, đối với các đơn vị có Bộ phận Công nghệ thông tin mạnh (ví dụ : Bộ Giáo dục & Đào tạo, trường đại học lớn, VDC, FPT...) họ sẽ tự xây dựng « ngôi nhà » của mình bằng cách đầu tư tiền bạc và công sức để xây dựng các máy chủ web. Đối với phần đông còn lại như cá nhân, trường học, cơ quan, công ty, tổ chức, ...họ thường lựa chọn giải pháp là « đi thuê nhà ». Tức là, đi thuê nơi lưu trữ website vì chi phí rẻ, không phải lo lắng về mặt kỹ thuật vận hành, được các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng đi kèm, ...

Giá cả thuê các dịch vụ này (được chia thành các « gói lưu trữ ») có thể khác nhau tùy theo dung lượng thuê bao (« độ rộng của ngôi nhà »), các dịch vụ đi kèm, lưu lượng thông tin được sử dụng trong tháng (giống như số tiền điện, tiền nước tối đa mà một ngôi nhà được quyền sử dụng), ...Giá cả thuê bao hiện nay có thể dao động từ 1,5USD/tháng cho đến vài trăm USD/tháng.

Đối với các trường học, cá nhân, CENTEA khuyên dùng các gói lưu trữ có giá cả dao động từ 1,5 – 10USD/tháng.

Bên cạnh các dịch vụ lưu trữ hosting có phí, trên mạng Internet có rất nhiều dịch vụ cho đăng ký lưu trữ web miễn phí, đổi lại, người dùng phải chấp nhận một số hạn chế về chức năng, bị chèn quảng cáo vào trang web, website có tên dài và khó nhớ,...CENTEA sẽ có bài viết riêng để giới thiệu một số dịch vụ lưu trữ website, blog miễn phí, có uy tín để tạo điều kiện cho nhiều trường học, giáo viên có thể đưa các thông tin của mình lên mạng Internet.

Để đăng ký tên miền và các dịch vụ lưu trữ web, nhà trường và Thầy Cô có thể tìm đến các dịch vụ Thiết kế website, đăng ký tên miền tại địa phương của mình hoặc có thể xem trong link bên dưới một số Nhà đăng ký của VNNIC và lựa chọn Nhà đăng ký gần địa phương của mình.

http://www.vnnic.vn/nhadangky/index.htm

Ngoài ra, chúng ta có thể đăng ký tên miền, hosting với các nhà cung cấp nước ngoài (ngoài biên giới Việt nam), tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta cần có thẻ thanh toán quốc tế. Đối với các website mà đối tượng phục vụ là người Việt nam, các chuyên gia công nghệ khuyên dùng các dịch vụ hosting có máy chủ đặt ngay trong nước để có tốc độ kết nối nhanh chóng và tránh tình trạng thắt nút cổ chai tại các cổng Internet từ Việt nam dẫn ra nước ngoài.

Trong bài tới, CENTEA sẽ trình bày một số gợi ý về việc thiết lập website cho giáo viên và trường học, các công cụ tạo web, ...

Với phần 1 của bài viết, Thầy Cô và các bạn đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về thế giới web. Trong các phần tiếp theo, CENTEA xin đưa ra những gợi ý để thực hiện một website, các gợi ý này sẽ được xếp vào 6 bước:

Bước 1: Lập một kế hoạch cho website sắp phát triển
Bước 2: Lựa chọn các công cụ thiết kế website và tiến hành tạo website
Bước 3: Lựa chọn việc sử dụng tên miền và nơi lưu trữ web
Bước 4: Đưa website lên mạng
Bước 5: Thông báo về sự xuất hiện của website mới ra đời.
Bước 6: Cập nhật tin và duy trì website

Chúng ta cùng đến với phần B của serie bài viết này

B. Những bước cơ bản để thực hiện một website:

Bước 1: Lập một kế hoạch cho site sắp phát triển

Tiến hành bất kỳ công việc nghiêm túc nào cũng đòi hỏi chúng ta lập ra một kế hoạch chi tiết và khả thi. Việc thành lập một website cũng không phải là một ngoại lệ.

Để lập ra một kế hoạch cho website sắp thực hiện, Thầy Cô và các bạn hãy ngồi xuống, lấy giấy bút ra và thử trả lời các câu hỏi sau:

1- Website sắp được lập hướng tới đối tượng nào?
- Học sinh, sinh viên của lớp
- Cá nhân
- Các đồng nghiệp khác
- Dành cho mọi người
- … đối tượng nào khác

2- Mục đích của website?
- Dùng để đưa tài liệu học tập lên mạng
- Dùng làm nơi học sinh, giáo viên trong nhà trường trao đổi
- Dùng đưa các thông tin về cá nhân
- …

3- Website thuộc dạng nào?
- Website cá nhân
- Website cho lớp đang dạy
- Website cho nhà trường
- Website cho tổ chức giáo dục
- …

4- Dự đoán quy mô của site?
- Tầm cỡ của site sắp thành lập thuộc loại nhỏ, trung bình hay lớn?
- Số người truy cập sẽ vào cỡ hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn hay hàng chục ngàn.
- …

5- Bộ phận hay cá nhân sẽ phụ trách việc thành lập website?
- Cá nhân thực hiện
- Bộ phận CNTT của nhà trường phụ trách
- Các em học sinh của trường phụ trách
- Các công ty có dịch vụ thiết kế website
- …

6- Kinh phí để thành lập và duy trì site sẽ khoảng bao nhiêu và lấy từ đâu?
- Tự bỏ tiền túi
- Nhà trường chi kinh phí
- Nhóm học sinh, sinh viên tự bỏ tiền túi
- Công ty tài trợ
- …

* Phân tích bước 1:

Việc trả lời các câu hỏi trên sẽ giúp chúng ta định hướng một cách đúng đắn cho việc định hình website sắp ra đời.

Các câu hỏi 1, 2, 3 và 4 sẽ cho ta các ý tưởng về đối tượng phục vụ của website, nếu là site cá nhân thì chúng ta có thể đưa các thông tin về bản thân mình, website dành cho nhà trường thì sẽ đưa các thông tin về nhà trường như cơ cấu tổ chức, danh sách giáo viên, các hoạt động của nhà trường, nếu là chỗ trao đổi của học sinh, sinh viên thì chúng ta có thể lập thêm forum. Ngoài ra, nếu là website của giáo viên hoặc của nhà trường thì nên có phần thông tin giúp phụ huynh có thể liên hệ dễ dàng.

Nếu là website của nhà trường thì có thể có rất nhiều lượt truy cập, còn website cá nhân thì lượng truy cập sẽ ít hơn .

Trả lời tốt 4 câu hỏi trên sẽ giúp ta nhanh chóng trả lời 2 câu hỏi 5 và 6. Khi thiết kế website cho cá nhân, chúng ta có thể tự học và thiết kế một trang web đơn giản và nhanh chóng, nhưng khi thiết kế website cho trường học, sự việc có thể phức tạp hơn. Vì việc thiết kế website cho nhà trường hoặc tổ chức thường đòi hỏi phải có những kiến thức nền tảng về CNTT, nếu cá nhân chúng ta không đủ kiến thức để hiểu những thuật ngữ công nghệ như: HTML, CSS, PHP, ASP, Apache, Javascript, web tĩnh, web động, cơ sở dữ liệu… thì CENTEA thành thật khuyên rằng nên để bộ phận phụ trách CNTT của nhà trường hay tổ chức thực hiện. Ngoài ra, chúng ta vẫn còn có một lựa chọn khác: đó là thuê những công ty hay cá nhân chuyên thiết kế web để thực hiện website dự định.

Việc quyết định tự thực hiện hay thuê người thực hiện sẽ quyết định lớn đến câu hỏi 6 – câu hỏi về kinh phí. Nếu chúng ta tự thực hiện, chúng ta chỉ sẽ mất tiền cho các dịch vụ tên miền và lưu trữ web (thậm chí không mất tiền nếu sử dụng các dịch vụ miễn phí trên mạng, nhưng bù lại sẽ bị một số ràng buộc khác).
Các dịch vụ tên miền miễn phí thường cho ta các tên miền dài và khó nhớ, hoặc tên miền bị đính kèm với tên của nhà cung cấp dịch vụ. Với các dịch vụ lưu trữ miễn phí, rất nhiều khả năng là bạn phải chịu các bảng quảng cáo của nhà cung cấp dịch vụ xuất hiện trên trang web của mình mà không thể điều khiển hoặc giấu biến chúng đi. Ngoài ra các dịch vụ miễn phí thường không ổn định và sự hỗ trợ kỹ thuật không tốt, có thể một sáng đẹp trời nào đó khi thức dậy, bạn phát hiện website yêu dấu của mình đã…một đi không trở lại.

Việc thuê thiết kế website dĩ nhiên sẽ dẫn đến việc tăng chi phí, bù lại bạn sẽ an tâm hơn về chất lượng tư vấn và thiết kế. Cần chú ý rằng, việc thuê thiết kế website có thể tính phí cho trọn gói hoặc tính phí dựa trên từng thành phần của website, ví dụ: tính phí cho trang chủ, tính phí cho việc thực hiện form liên hệ, tính phí cho việc tạo album ảnh, …

Ngày nay, phí thiết kế website có thể dao động từ 1,5 triệu cho tới vài chục triệu đồng. Để đảm bảo tính khách quan của bài viết, CENTEA sẽ không giới thiệu bất kỳ công ty hay dịch vụ thiết kế nào, Thầy Cô và các bạn có thể hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp, những người có hiểu biết về web để tìm các dịch vụ thiết kế hợp nhu cầu và kinh phí của mình.

Tới đây là kết thúc bước lên kế hoạch cho việc thiết lập một website. Dù bước này chỉ cần thực hiện trên giấy với một cây bút chì, nhưng bước đầu tiên này đóng vai trò nền tảng cho toàn bộ quá trình của chúng ta.

Hãy đón xem phần 3 của bài viết để biết các thông tin về lựa chọn các công cụ thiết kế website, lựa chọn tên miền và nơi lưu trữ, các hướng dẫn để đưa website lên mạng, thông báo sự ra đời của website với mọi người, duy trì và cập nhật tin tức cho web, …

Bước 2: Lựa chọn các công cụ thiết kế website và tiến hành tạo site

Hiện nay, có nhiều công cụ cho phép chúng ta tạo website một cách trực quan và sinh động. Việc lựa chọn công cụ nào còn tùy thuộc vào trình độ người thiết kế, quy mô và hình thức hoạt động của website dự định thành lập, …

Chương trình có thể giới thiệu đầu tiên là …Microsoft Word. Mặc dù Word được thiết lập để làm việc chủ yếu với các văn bản, nhưng Thầy Cô cũng có thể sử dụng chương trình này để làm một trang web cá nhân.

Hãy thử điều sau: khi soạn xong một văn bản với hình ảnh, Thầy Cô hãy vào menu File / Save As…
Trông ô File name: hãy đặt một tên ngắn gọn, ví dụ: homepage, trangchu, index, …
Trong ô Save as type hãy lựa chọn Webpage.
Và thế là chúng ta đã có một trang web sẵn sàng đưa lên mạng.

Tuy nhiên, việc sử dụng Word để thiết kế trang web thường không được các nhà thiết kế khuyến khích vì chương trình Word sẽ phát sinh các mã HTML dư thừa và làm tăng kích thước file.

Các chương trình đầu tiên dành riêng cho việc thiết kế Web có thể kể đến là Microsoft FrontPage (phần mềm thương mại) và NVU (phần mềm mã nguồn mở, miễn phí). Đây là những phần mềm phù hợp với người mới làm quen công việc thiết kế website vì tính trực quan và dễ sử dụng.

Bên cạnh đó, phần mềm Adobe Dreamweaver (phần mềm thương mại) được giới thiết kế quan tâm và đánh giá cao vì tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, giá của phần mềm thì không rẻ chút nào.

* Xin lưu ý rằng CENTEA sẽ không cung cấp trái phép bất kỳ một phần mềm thương mại nào, Thầy Cô có thể tìm các phần mềm này từ các nguồn khác.

Nếu không muốn bắt đầu thiết kế từ con số 0 tròn trĩnh, chúng ta có thể sử dụng các gói web mã nguồn mở và miễn phí cho phép tạo website như: NukeViet, Drupal, Joomla, …Các gói này đã được thiết kế sẵn với các chức năng khác nhau (cập nhật tin tức, form liên hệ, album ảnh, forum, …) và có thể giúp chúng ta xây dựng được một website hoàn chỉnh và chuyên nghiệp trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, các gói thiết kế trên không dành cho những người mới làm quen với việc thiết kế web.

Cùng với các chương trình thiết kế web, người thiết kế còn cần có các chương đồ họa hỗ trợ đi kèm để tạo các hình ản, banner, nút nhấn, …

CENTEA có thể giới thiệu một số chương trình đồ họa để giúp Thầy Cô sử dụng cho công việc thiết kế ban đầu của mình (lưu ý, các chương trình này không phải là tất cả các chương trình thiết kế đồ họa, chúng tôi chỉ giới thiệu một số)

- Chương trình đầu tiên, tiện dụng nhất, chính là chương trình Paint, chương trình này có sẵn trong hệ điều hành Windows (vào menu Start / All Programs / Accessories / Paint). Với chương trình này, chúng ta có thể tạo được một số hình ảnh đơn giản.

- Các chương trình thiết kế đồ họa chuyên nghiệp có thể kể đến tiếp theo là Adobe Photoshop (chương trình thương mại), GIMP (chương trình mã nguồn mở, miễn phí).

- Đặc biệt nếu chỉ dự định thiết kế banner, nút nhấn, logo, chúng ta có thể sử dụng Xara Webstyle (phần mềm thương mại), …

* Cần lưu ý rằng, chúng ta không nên sử dụng quá nhiều các file đồ họa (hình động, file Flash, …), file multimedia (file âm thanh, video, …) trên 1 trang web, chúng sẽ làm kích thước trang web lớn và do đó sẽ tải rất chậm lên trình duyệt của người dùng. Nếu sau 30 giây mà trang web vẫn chưa mở lên đầy đủ thì đa số người dùng sẽ bỏ đi qua trang khác.

Bước 3: Lựa chọn việc sử dụng tên miền và nơi lưu trữ web

Như đã đề cập trong bài 1 và ở bước 1 của bài 2, việc lựa chọn mua hoặc sử dụng tên miền và dịch vụ lưu trữ web miễn phí tùy thuộc vào chính nhu cầu và quy mô của website sắp thiết kế.

Nếu làm web cá nhân với quy mô nhỏ, chúng ta có thể sử dụng các dịch vụ miễn phí. Để biết thêm các thông tin về các dịch vụ lưu trữ web miễn phí, xin tham khảo tại trang sau:
http://www.100best-free-web-space.com/searchPage0/Free-Host.html
http://hostindex.com

* Hãy thử tìm kiếm trên Google với từ khóa: free Web space, free hosting, …

Nếu làm web cho nhà trường, hoặc tổ chức, CENTEA đề nghị Thầy Cô đăng ký tên miền riêng và sử dụng các dịch vụ lưu trữ có phí.

Đối với các trường học, chúng ta nên đăng ký sử dụng các tên miền giáo dục như .edu.vn. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể sử dụng các tên miền .com, .net, .info, … bên cạnh đó, Thầy Cô cũng cần tham khảo các văn bản của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT để tham khảo thêm các hướng dẫn về tên miền.

Bước 4: Đưa website lên mạng

Sau khi đã thiết kế xong website và đã lựa chọn được một nơi để “gửi gắm” đứa con tinh thần, chúng ta cần đưa website của mình lên mạng để người khác có thể truy cập vào website.

Thông thường, sau khi đã đăng ký sử dụng các dịch vụ lưu trữ web (miễn phí hoặc có phí), chúng ta sẽ được cung cấp một số thông tin để kết nối vào dịch vụ và đưa website lên không gian lưu trữ như: tên người dùng (username), mật khẩu (password), tên host, …Lúc này, chúng ta cần sử dụng một phần mềm thuộc loại FTP (File Transfer Protocol).

FTP là một phương thức truyền file giữa các máy tính trên mạng, cho phép chúng ta chuyển các file từ máy tính của mình lên không gian lưu trữ đã đăng ký. Phương thức FTP cung cấp cho chúng ta một “hành lang an toàn”, chỉ có người có quyền truy cập mới được phép truy cập file.

Một số phần mềm FTP tiêu biểu: FileZilla (phần mềm mã nguồn mở, miễn phí), CoffeeCup Free FTP (miễn phí), GoFTP (miễn phí), …

* Hãy thử tìm kiến trên Google với từ khóa: free FTP

* Lưu ý: các thông tin về host và account người dùng rất quan trọng, do đó, Thầy Cô hãy lưu trữ các thông tin này vào nơi an toàn.

Bước 5: Thông báo về sự xuất hiện của website mới ra đời

Sau khi đã thiết kế xong website và đã đưa lên mạng, chúng ta cần thông báo địa chỉ website đến mọi người để họ có thể truy cập. Nếu chúng ta có một website tốt, nhiều nội dung, …nhưng người khác không biết địa chỉ để truy cập thì website đó chỉ phục vụ…mình ta.

Có một số cách để thông báo địa chỉ website mới:

- Thông qua học sinh trong lớp.
- Thông qua bảng tin của nhà trường, lúc họp phụ huynh, …
- Thông qua các nguồn khác như: gửi email tới bạn bè, tham gia vào các forum trực tuyến, các cộng đồng trên mạng để thông báo, in trên card visit, …
- Đăng ký web với các danh bạ trực tuyến, …

* Hãy thử tìm kiếm trên Google với từ khóa: danh bạ trực tuyến

Bước 6: Cập nhật tin và duy trì website

- Bước cuối cùng trong quá trình thiết kế và tạo lập website là cập nhật và duy trì web.

Đối với một trang web cá nhân, yêu cầu cập nhật web không phải là đòi hỏi hàng đầu. Đối với web cá nhân, Thầy Cô cần cố gắng có đầy đủ các tài liệu giảng dạy, bài giảng của mình để học sinh, sinh viên có thể truy cập và tải về.

Đối với trang web của một trường học, một tổ chức thì khác hẳn. Cập nhật tin là nhu cầu tất yếu. Vì thông qua các tin tức luôn được cập nhật, người xem (phụ huynh, học sinh, giáo viên, …) mới biết nhà trường vẫn …đang hoạt động. Một trang web của nhà trường, của tổ chức nếu không thường xuyên được cập nhật các hoạt động, các tin tức thì người xem nhận ra ngay là nhà trường hay tổ chức đó không thiết tha với “bộ mặt trong thế giới công nghệ” và thường sẽ nhận được những nhận xét thiếu thiện cảm.

Tuy nhiên, tại điểm này, sẽ phát sinh một câu hỏi: Ai có trách nhiệm phải coi sóc và cập nhật tin cho trang web của nhà trường?

Đó chính là câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra ngay từ bước đầu tiên: Lập một kế hoạch cho website sắp phát triển.

Không hiếm trường hợp, khi người dùng truy cập vào website của nhà trường hay các tổ chức, thì tin tức mới nhất là tin được đăng từ …3 tháng trước hoặc thậm chí …từ năm trước. Khi được hỏi vì sao, thì nhận được câu trả lời là: không có người chuyên phụ trách. Những người đang phụ trách là kiêm nhiệm, và họ còn nhiều công việc khác nên …hơi bận.

- Bên cạnh đó, nếu chúng ta có tổ chức 1 diễn đàn (forum) trên website của mình, thì Thầy Cô cần dự trù trước đội ngũ sẽ quản lý diễn đàn này, đề phòng những phát ngôn bừa bãi, thiếu văn hóa, những đường link mời gọi đến các website đồi trụy, ...

Vai trò của đội ngũ quản lý forum là thường xuyên kiểm tra các bài viết mới đăng, giải quyết các xung đột hay mâu thuẫn giữa các thành viên, giữ gìn môi trường mạng sạch sẽ và có văn hóa.

- Nếu Thầy Cô là người quản lý một website, còn một điều quan trọng cần phải lưu tâm, đó là vấn đề bảo mật cho website.

Thật ra, không có một người quản lý website nào dám vỗ ngực là website của mình hoàn toàn an ninh, bảo mật và không sợ bị hacker tấn công. Ngay cả các trang web thuộc loại “tối mật” trên hành tinh này (như website của Bộ quốc phòng Mỹ, website của Microsoft, …) mà vẫn bị các “khách không mời” ghé thăm và để lại vài thông điệp, hoặc tệ hơn nữa là mất một phần hoặc toàn bộ dữ liệu của trang web.

Có một vài giải pháp để tạm khắc phục ít nhiều cho vấn đề bảo mật:

- Nếu là một website quan trọng và có nhiều dữ liệu, hãy nhờ một công ty về an ninh mạng kiểm tra website.
- Đối với máy tính mà Thầy Cô dùng để tạo web và sử dụng FTP đưa file lên hosting, hãy đảm bảo chắc chắn rằng máy tính của mình là máy tính “sạch”, tức là không bị nhiễm virus hoặc các phần mềm gián điệp, …
- Nếu sử dụng các gói cài sẵn để tạo web, hãy theo dõi thường xuyên các thông tin nâng cấp từ nhà phát triển các gói đó.
- Sao lưu web định kỳ.
- Tránh thách thức, gây tò mò cho các phần tử xấu.
- Tránh sử dụng các chương trình thương mại bị bẻ khóa để tạo website.
- Tránh đưa các thông tin “gây sốc” cho xã hội, các thông tin sai lệch, vi phạm đạo đức, …những thông tin này sẽ gây sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng, và website của bạn sẽ hứng chịu các tấn công đầy ác ý và chủ đích.

C. Một số gợi ý về những thành phần nên có trên một website của giáo viên

Đối với website của giáo viên, của nhà trường nên có các thành phần sau:
1. Lịch giảng dạy.
2. Những liên kết hữu ích để học sinh truy cập đến những trang có nội dung liên quan đến bài học.
3. Những liên kết làm cho môn học sinh động và vui vẻ hơn.
4. Thông tin để liên hệ như tên họ, điện thoại, email, … Những thông tin này giúp học sinh, phụ huynh có thể liên lạc được với giáo viên và nhà trường.
5. Các bài giảng, tài liệu học tập
6. Các hướng dẫn học tập môn học, nội quy lớp học.
7. Các bài tập về nhà.
8. Tiểu sử của giáo viên, của nhà trường, thông tin về tổ chức.
9. Mô tả mô tả môn học: như yêu cầu môn học, mục tiêu học tập, cách chấm điểm, thời gian dự kiến hoàn tất chương trình học, …
11. Các thông tin dành cho phụ huynh: các thông báo của nhà trường, của giáo viên, những điều phụ huynh cần lưu tâm về việc học của con em.
12. Các thông báo, các tin tức về các sự kiện sắp diễn ra trong lớp, trong trường.

D. Lời kết

Thông qua 3 bài hướng dẫn những thông tin cơ bản của việc thiết kế website, CENTEA hy vọng Thầy Cô và các bạn đã phần nào phác họa được những vấn đề cần lưu tâm.

Việc thiết kế website vẫn còn rất nhiều vấn đề chuyên sâu và phức tạp, những điều này chưa được đề cập trong các bài viết trên, tuy nhiên, các bài viết mở đầu của CENTEA sẽ đóng vai trò định hướng thông tin cho Thầy Cô hơn là đi chuyên sâu về mặt kỹ thuật.

Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều dịp để đề cập sâu hơn những vấn đề trên. Trong quá trình thực hiện một website cho mình, nếu Thầy Cô cần giúp đỡ, hỗ trợ hay tư vấn, xin gửi email về CENTEA, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ với toàn bộ khả năng của chúng tôi.

Hà An – www.giaovien.net

 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:

BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ

SƯU TẦM

CLIPS-FLASH

THƯ VIỆN ẢNH

CHUYÊN ĐỀ GIÁO DỤC

VUI LẠ

DIỄN ĐÀN

 
 
 
 
 
Trang web được xem tốt nhất bằng trình duyệt FIREFOX. Tải về TẠI ĐÂY
Thiết kế bởi GÓC SINH HỌC CỦA EM @ 2025
Free web hostinguCoz