Nhóm những nhà điểu loại học thuộc các trường Đại học Bristol, Cambridge
và Captown đã phát hiện một chuyện thú vị: Ở loài chim cũng như ở loài
người có những con chim làm nghề "bảo kê”. Chúng bênh vực các loài chim
khác và sống bằng những thức ăn mà kẻ chiu ơn mang đến. Họ đã quan sát
rất kỹ hai quần chủng chim sống ở Nam Á và Đông Á - những con chèo bẻo
đen và sáo đá Campuchia.
Chim mafia điển hình là chèo bẻo đen (tên khoa học Dicrurus macrocercus)
là họ hàng gần gũi của quạ, sống ở Ấn Độ, Sri Lanca, Inđonexia,
Philipin, Việt Nam, thân hình nhỏ nhắn, màu đen thường gặp trong rừng và
nông thôn, hay bay theo những đàn gia súc như trâu bò, bắt ruồi muỗi
trên lưng gia súc lớn. Ngoài côn trùng chúng còn ăn cả xác thú vật, quả
và hạt cây. Chúng sống thành bầy, tổ không xa nhau bên cạnh tổ của loài
chim vàng anh, cu gáy, sáo… không sợ những kẻ hay gây sự này.
Chèo bẻo đen là loài chim "mafia" điển hình.
Chèo bẻo không cho các loài chim ăn thịt đến gần vùng lãnh thổ của mình
và những hàng xóm quen thuộc của mình. Nếu nhìn thấy bóng dáng của chim
cắt, chim ác, diều hâu, đại bàng lảng vảng trên bầu trời, chúng lập tức
báo tin cho nhau và cả bầy xuất trận. Loài chim gan dạ này luôn đuổi
đánh những kẻ xâm lược to hơn và khoẻ hơn chúng rất nhiều. Cho nên nhiều
loại chim biết được ở gần chèo bẻo là được bảo vệ và tự nguyện làm tổ
bên cạnh chèo bẻo.
Nhưng đôi khi chèo bẻo cũng tranh thức ăn của loài chim khác. Bị chèo
bẻo bắt nạt nhất có sáo đá Cămpuchia (tên khoa học Sturnus burmannicus).
Cũng sống thành bầy, có tổ chức, chúng có thể giáng trả lại các cuộc
tấn công của chèo bẻo, nhưng chúng không làm như thế. Trước đây các nhà
khoa học cho rằng sáo đá nhút nhát và sợ sệt, nhưng mới đây họ đã tìm ra
được nguyên nhân đích thực của mối quan hệ này.
Sáo đá nhường nhịn chèo bẻo, luôn tìm cách sống gần vì biết chèo bẻo
không ngán bất cứ loài chim ăn thịt nào. Để chèo bẻo cướp thức ăn chẳng
qua là cách sáo đá trả lương cho người "bảo kê” của mình. Tuy cả hai
loài đều là chim ăn tạp, nhưng đều thích côn trùng hơn cả. Vì thế, sáo
đá đã "nhjn miệng” để dành côn trùng cho chèo bẻo.
Các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng khi sống bên nhau, nghe những
tiếng kêu báo động đặc trưng của chèo bẻo, sáo đá vẫn bình tính kiếm mồi
mà không hề lẩn trốn vào tổ. Họ đã làm thí nghiệm sau: Khi bầy sáo đá
đang kiếm mồi mà không có chèo bẻo bên cạnh, họ phát ra tiếng kêu báo
động đặc trưng của chèo bẻo đã ghi âm thì dù diều hâu đang bay tới,
chúng vẫn hoàn toàn bình tĩnh, không thèm ngẩng đầu lên nhìn và chỉ
hoảng loạn khi nhận ra thực tế. Andrew Radford, đứng đầu nhóm nghiên cứu
giải thích: Hai loài học được cách cộng sinh với nhau trong quá trình
tiến hoá. Tự kiếm mồi, chèo bẻo không thể kiếm được nhiều như số lượng
mà sáo đá "trả công”. Chi bằng chuyên môn hoá…
Những thứ "trả công” là sâu bọ mà sáo đá kiếm được. Chúng không nuốt mà
nhả ra, để lại ngay trên bãi cỏ. Chèo bẻo chỉ việc đến ăn. Song chèo bẻo
cũng rất ma lanh. Thỉnh thoảng, chúng phát ra tiếng báo động giả, làm
sáo đá tưởng thật và nhờ thế, chèo bẻo được bữa no nê.
Các nhà khoa học nhận thấy đây là mối quan hệ hai bên đều có lợi. Những
lần "báo động giả” ít hơn nhiều so với "báo động thật”. Chính đó là cơ
sở để sự hợp tác giữa hai loại diễn ra lâu bền từ bao đời.
Nghiên cứu lịch sử mafia Ý, người ta thấy sự bắt nguồn ban đầu của việc
hình thành các tổ chức tội phạm cũng tương tự. Chỉ khác ở chỗ sau này nó
diễn biến phức tạp, chẳng qua là con người vốn nhiều tham vọng.