BBC
cho biết, hoạt động thụ phấn của Cytinus visseri, tên một loài cây ở
Nam Phi, được thực hiện nhờ những động vật có vú sống dưới đất. Để thu
hút sự chú ý của các con vật, cây sử dụng một số hoá chất có mùi thơm.
Cây Cytinus visseri.
Giáo sư Steven Johnson, một giảng viên
của Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi, cùng các đồng nghiệp nghiên cứu cây
Cytinus visseri trong suốt 6 năm qua.
Cytinus visseri không sản xuất chất diệp lục nên chúng "cư ngụ" bên dưới một cây khác. Chỉ có hoa và quả của chúng nhô ra từ tán lá của cây chủ.
Nhóm của Johnson theo dõi nhiều quần thể cây C. visseri để xem chúng
dùng thủ thuật gì để lôi kéo động vật tới thụ phấn cho chúng. Họ nhận
thấy hoa của cây giải phóng những phân tử dễ bay hơi vào không khí.
Những phân tử này tạo ra một mùi thơm lạ và mạnh.
"Mùi hương đó được tạo nên bởi hơn 30 hợp chất hoá học, như chất dẫn xuất của các axit béo", Johnson cho biết.
Để kiểm tra tác động của mùi hương, nhóm
nghiên cứu thả một số con chuột vào mê cung. Trong mê cung có một tuyến
đường được tẩm hương. Kết quả cho thấy những con chuột chỉ đi vào những
đường có mùi thơm.
"Rất có thể mùi thơm của cây là dấu
hiệu của nguồn thức ăn dồi dào đối với chuột, hoặc nó đóng vai trò nào
đó đối với hoạt động trao đổi thông tin của động vật có vú", Johnson nhận định.
Mùi hương là công cụ quan trọng của những loài cây thụ phấn nhờ động vật có vú nhỏ sống dưới đất do động vật thường "viếng thăm" những bông hoa vào buổi tối, khi thị lực của chúng hầu như không phát huy tác dụng.