Ngoài những loài phổ biến, trên hành
tinh của chúng ta còn tồn tại một số loại cây lạ với kích thước và hình
dáng khác thường. Hãy cùng trang Zuzu Top điểm qua một vài trong số
chúng:
Cây đào lộn hột Pirangi (Brazil)
Đây là cây đào lộn hột lớn nhất trên thế giới, bao phủ khắp khoảng đất
có diện tích 8.500km2. Với kích thước 91,4 mét x 91,4 mét, cây đào lộn
hột Pirangi tạo cho người xem hình ảnh về một khu rừng nhỏ. Mỗi năm,
loại cây kỳ lạ này cho ra 8.000 quả.
Cây Cuộc sống (Bahrain)
Cây Cuộc sống ở Bahrain là một trong những bí ẩn của thế giới và luôn có
mặt trong hầu hết các bảng xêếp hạng về những loài thực vật lạ thường
nhất Trái đất. Cây cổ thụ đã 400 năm tuổi này sinh trưởng giữa vùng sa
mạc bị cô lập và khan hiếm nước. Bí ẩn về sự sinh tồn trong điều kiện
khắc nghiệt đã khiến cây trở thành một huyền thoại và được đặt tên là
"Cây Cuộc sống". Nơi cây đang cắm rễ cũng gắn với truyền thuyết. Cư dân
địa phương tin rằng đây thực sự từng là nơi toạ lạc của Vườn địa đàng
(Garden of Eden).
Cây sồi Nhà nguyện Allouville-Bellefosse (Pháp)
Đây là một trong những cây cối nổi tiếng nhất ở Pháp và đã hơn 1.000 năm
tuổi. Thực tế, nó còn hơn cả một cái cây khi quy tụ trong mình thêm vai
trò của một toà nhà, một biểu tượng tôn giáo. Năm 1969, hai thầy tu
l’Abbe du Detroit và du Cerceau đã quyết định xây dựng một nhà nguyện
trong cây sồi 500 tuổi (vào thời điểm đó) đã bị sét đánh rỗng ruột. Hiện
tại, một số phần của cây sồi đã chết, chỏm cây không ngừng thu nhỏ lại
mỗi năm. Những phần vỏ của cây, vốn bị rụng xuống do năm tháng, hiện
được bao phủ bằng các lớp ván lợp bảo vệ. Tuy nhiên, với tư cách là một
biểu tượng, cây sồi nhà nguyện Allouville-Bellefosse dường như có thể
"trường sinh bất tử".
Cây bao báp (Madagascar)
Với hình dạng đặc biệt, các cây bao báp nằm trong nhóm thực vật có sức
lôi cuốn nhất trên thế giới. Loài cây đặc biệt này sinh trưởng ở
Madagascar và thường được gọi là "Bao báp ấm trà". Phần lớn thời gian
trong năm, những cây này trụi lá. Thân đặc, phình to và chịu lửa giúp
cây trữ nước suốt các tháng mùa khô. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một số
thân cây bao báp to lớn đến mức con người thực sự cư ngụ bên trong
chúng.
Cây Tướng quân Sequoia (Mỹ)
Tướng quân Sequoia là một cây cổ thụ đã 2.500 tuổi với chiều cao 83,8
mét, đang sinh trưởng tại Vườn quốc gia Sequoia, Mỹ. Người ta đo được
chu vi gốc cây lên tới 31 mét. Tháng 1/2006, cành lớn nhất của cây cổ
thụ này bị gẫy. Tuy nhiên, điều đó cũng không thay đổi danh hiệu "cây bự
nhất" của Tướng quân Sequoia.
Cây bông lụa (Campuchia)
Đền Ta Prohm hay còn gọi là Đền Rừng, toạ lạc trong khu di tích Angkor
Thom, có các cây cối sinh trưởng ở đây theo một cách đáng kinh ngạc
nhất. Không bút nào tả siết cho tới khi bạn đặt chân đến nơi này và tận
mắt chiêm ngưỡng việc kỳ lạ. Rõ ràng, địa điểm này từng bị bỏ hoang suốt
thời gian dài và sau hàng trăm năm đã phát triển thành một nơi mà hiện
nay còn được gọi là Công viên khảo cổ Angkor. Ở mọi hướng, thân của các
cây bông lụa vươn cao chọc trời, núp dưới tán lá xanh khổng lồ. Phần gốc
cây như vòi bạch tuộc trùm xuống mặt đất và các rễ cây dài bất tận cuộn
bò dưới mặt đất như những con rắn.
Cây tule (Mexico)
Cây nổi tiếng nhất của Mexico - cây Tule (Arbol del Tule) sinh trưởng
gần thành phố Oaxaca. Đây có thể không phải là cây to lớn nhất hoặc cổ
thụ nhất trên thế giới, nhưng cây Tule không có đối thủ cho danh hiệu
cây có chu vi thân lớn nhất (gần 50 mét). Tốt nhất không nên nhìn nhận
cây này như một biểu tượng đơn lẻ. Thực tế có cả một gia đình của những
cây cổ thụ. Bám rễ tại thị trấn Santa María del Tule, cây Tule và những
phần bao quanh nó tạo thành một tượng đài tự nhiên độc đáo.
Cây Rồng (Quần đảo Canary)
Cây Rồng được tìm thấy tại de los Vinos ở Tenerife thuộc quần đảo Canary
và được cho vào khoảng 650 - 1.500 năm tuổi. Cây này thừa hưởng tên gọi
từ nguồn gốc mang tính thần thoại: Hercules phải mang về ba quả táo
vàng từ vườn của Hespérides vốn nằm dưới sự canh giữ của con rồng trăm
đầu Landon. Hercules đã giết Landon và máu của con rồng phun trào lên
mặt đất, sau đó làm nảy mầm các cây "rồng". Loại cây này tiết ra "máu
rồng" (nhựa cây màu đỏ) khi bị chặt cứa.
Cây thông Wollemi (Australia)
Các phẩm chất độc đáo của cây thông Wollemi không nằm ở vẻ ngoài mà là
lịch sử tồn tại của nó. Đây là một "con khủng long còn sống sót" và từng
gần như bị tuyệt chủng trước khi được phát hiện tại Sydney, Australia
vào năm 1994. Cây hiện có biệt danh là "đồ trang sức vương miện của thế
giới thực vật". Trước đây, người ta từng chỉ biết đến nó qua một hóa
thạch 120 triệu năm tuổi. Rất hiếm cây thông thuộc loại này còn tồn tại
trong tự nhiên, nhưng con người đã nỗ lực bảo tồn nó suốt thời gian qua.
Cây rạp xiếc nhân tạo (Mỹ)
Niềm say mê nghệ thuật điêu khắc cây đã giúp Axel Erlandson tạo nên một
tập hợp cây cối hấp dẫn khách du lịch ở gần Santa Cruz, bang California
(Mỹ) năm 1974. Mọi người từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đổ xô tới để chiêm
ngưỡng các tuyệt phẩm thực vật kỳ lạ và ấn tượng, được gọi tên chung là
Cây Rạp xiếc của ông. Bằng đôi tay tài hoa và những kỹ thuật điêu luyện,
Erlandson bắt đầu khắc tạc mọi thứ trên cơ thể những cây cối đang sống
và sinh trưởng bình thường. Một trong những sản phẩm sáng tạo đặc biệt
của nghệ nhân này là "Cây Rổ" nổi tiếng, vốn được tạo thành từ 6 cây ngô
đồng ghép lại với nhau thông qua 42 mối nối để tạo thành hình cái rổ
đựng.