Cá lon mây Thái Bình Dương (tên khoa học Alticus arnoldorum)
- là loài cá sống trên đất liền và có thể nhảy xa dù không có chân.
Đây là loài cá biển nhưng ở trên cạn trong mọi mặt cuộc sống thường nhật
khi trưởng thành, sống ở các bờ biển lởm chởm đá Micronesia. Tiến sĩ
Terry Ord ở Trung tâm nghiên cứu sinh thái học và tiến hóa thuộc Đại học
New South Wales (Úc) và là trưởng nhóm nghiên cứu, nói với báo Science Daily: "Loài
cá nhỏ này dường như đã thực hiện một quá trình chuyển đổi rất thành
công giữa mặt phân giới nước và đất, dù nó phải luôn ẩm ướt để có thể
thở qua mang và da của mình”.
Cá lon mây nhảy Thái Bình Dương - (Ảnh: Science Daily)
Theo các chuyên gia Úc, cuộc sống trên đất liền đối với cá lon mây phụ thuộc vào thủy triều và biến động nhiệt độ. Điều này quan trọng đến nỗi hầu hết hoạt động của chúng bị hạn chế trong một thời gian ngắn vào giữa đợt thủy triều. "Trong
suốt thời gian nghiên cứu thực địa ở Guam, chúng tôi chưa bao giờ nhìn
thấy sự trở lại nước một cách tự nguyện của cá lon mây. Thật sự, chúng
dành nhiều thời gian để tránh khả năng bị dìm dưới nước khi sóng đến,
ngay cả khi các chuyên gia cố gắng bắt chúng để nghiên cứu”, ông Ord nói thêm.
Cũng theo nhóm nghiên cứu Úc, loài cá
này rất khó bắt và cực kỳ nhanh nhẹn trên đất liền. Chúng di chuyển rất
nhanh trên các bề mặt lởm chởm đá bằng cách sử dụng hành động xoắn đuôi
độc đáo kết hợp với các vây ngực và vây đuôi mở rộng để bám vào gần như
bất cứ bề mặt nào. Để nhanh chóng lên được bề mặt cao hơn, chúng cũng có
thể xoắn cơ thể mình và búng đuôi để nhảy xa gấp nhiều lần chiều dài cơ
thể.
Tiến sĩ Ord và các cộng sự nhận thấy cá
lon mây trưởng thành trú ẩn ở các khe đá lúc thủy triều cao và thủy
triều thấp, xuất hiện vào khoảng giữa đợt thủy triều để đi kiếm thức ăn,
sinh sản và "giao lưu xã hội” theo nhiều cách phức tạp đáng
ngạc nhiên. Họ phát hiện cá đực thường ở trên cạn và sử dụng nhiều biểu
hiện phức tạp để cảnh báo đối thủ và thu hút bạn tình. Cá cái tích cực
bảo vệ lãnh thổ, thức ăn của nó vào đầu mùa sinh sản trong khi cá đực
giơ ra chiếc vây màu đỏ và gật đầu mạnh để hấp dẫn bạn tình vào lỗ đá
được bảo vệ chặt chẽ của mình. Nhóm nghiên cứu đã quay được cảnh cá cái
kiểm tra cẩn thận chiếc lỗ trước khi bước vào với bạn tình đã chọn. Có
rất ít hiểu biết về sự sinh sản của chúng và sự phát triển của cá con,
nhưng có vẻ con cái chỉ làm nhiệm vụ đẻ trứng trong một lỗ đá đã được
lựa chọn rồi phó thác việc chăm sóc con cho "chồng”.
"Cá lon mây Thái Bình Dương cung cấp cơ may độc nhất để khám phá việc chuyển đổi giữa mặt đất và nước của một sinh vật sống. Tổ
tiên xa xưa của chúng ta phát triển ban đầu từ cá thùy vây, nhưng các
loại cá như thế đều ở hoàn toàn trong nước. Tuy nhiên, trong họ cá lon
mây có loài hầu như sống trên cạn, hoặc lưỡng cư hay ở hoàn toàn ở dưới
nước. Đáng chú ý là đại diện tất cả các loại này có thể được tìm thấy ở
khu vực quanh Guam, khiến nó trở thành một phòng thí nghiệm tiến hóa độc
đáo”, ông Ord nói thêm.